Sau một thời gian nới lỏng giãn cách, tình hình số ca bệnh F0 trong cộng đồng ngày càng tăng; kể cả những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Trong đó, có “cha đẻ” của máy ATM gạo – anh Hoàng Tuấn Anh và cả gia đình. Cả gia đình anh bị lây qua người quen và cả vợ chồng anh đều đã tiêm đủ 2 mũi. Tuy nhiên, chỉ có vợ anh và 2 người con là bệnh nhẹ; trong khi anh thì nặng hơn và phải nhập viện thở oxi. Cũng nhờ đó, “cha đẻ” của ATM gạo đã thấu hiểu hơn cho các bệnh nhân F0; và tiếp tục với dự án ATM oxy của mình. Hãy cùng mục sống đẹp tìm hiểu thêm về tình hình của anh Tuấn Anh và đội ngũ cung cấp oxi của anh nhé!
“Cha đẻ” ATM gạo và gia đình trở thành F0
Anh Hoàng Tuấn Anh (36 tuổi, Giám đốc Công ty PHGLock ở Q.Tân Phú, TP.HCM) từng được biết đến là “cha đẻ” của ATM gạo; ATM khẩu trang; và gần nhất là ATM ô xy. Một tuần sau khi ra đời, “ATM gạo” dành cho người nghèo, người khó khăn do dịch COVID-19 ở TP.HCM đã tạo thành làn sóng mạnh mẽ; lan tỏa khắp cả nước. Những mô hình tương tự đã nhân bản ở Hà Nội; Huế; Đà Nẵng; Tây Nguyên;…
Mới đây, anh Tuấn Anh đăng tải lên mạng xã hội kể lại việc trở thành F0. Bệnh tình của anh đã chuyển biến nặng; và đang điều trị tại Bệnh viện FV (Q.7) từ ngày 5/11. Nhưng anh vẫn điều hành hỗ trợ ô xy giúp cho người cần; khiến cộng đồng mạng cảm kích. Hiện tại, gia đình anh Tuấn Anh có 4 người là F0. Trong đó, vợ và hai con của anh cách ly tại nhà người quen vì triệu chứng nhẹ. Còn anh phải nhập viện điều trị do bệnh chuyển biến nặng hơn. Sau khi câu chuyện được anh chia sẻ, nhiều người gửi lời động viên đến cha đẻ của ATM gạo, ATM ô xy.
Lý do cả gia đình bị lây nhiễm
Anh Tuấn Anh cho biết: Giáo viên dạy kèm của con đến dạy và ở lại nhà anh bị nhiễm Covid-19; sau đó hai con của anh bị lây bệnh. Hai vợ chồng anh thay nhau chăm sóc con. Ngày 1/11, anh bắt đầu có triệu chứng của F0. Đến ngày 2/11, test nhanh có kết quả 2 vạch, anh chủ động cách ly trước; nhưng không lâu sau vợ anh cũng nhiễm bệnh. “Nhà có người già 80 tuổi nên cũng sợ lây qua cho ba. Vợ con phải qua nhà khác cách ly. Mình triệu chứng nặng nên đi bệnh viện. Hiện tại hai đứa nhỏ khỏe hơn rồi; nhưng một đứa đang bị sốt lại, có thể là bị sốt xuất huyết”, anh nói.
Những ngày đầu nhập viện, chỉ số SpO2 (nồng độ oxy trong máu) của anh Tuấn Anh tụt xuống còn 83 – 85; và phải thở ô xy. Hiện tại dù tình hình sức khỏe ổn định, nhưng chỉ số SpO2 vẫn giảm. Gắn bó với công việc thiện nguyện xuyên suốt mùa dịch, anh Tuấn Anh luôn chuẩn bị tâm lý có thể trở thành F0 bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, khi đã mắc Covid-19, anh mới thật sự hiểu được nỗi lo sợ và đồng cảm với bệnh nhân hơn. Đặc biệt, anh và vợ đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Coivd-19; nhưng hai con nhỏ thì chưa nên khá bối rối vì phải lo cho gia đình.
Duy trì chỉ số SpO2 khó khăn
“Ngày đầu nhập viện mình có sử dụng bình ô xy, nhưng giờ không cần dùng nữa. Thời gian trước mình cũng có cảm, sổ mũi, đau đầu; nhưng mà mình xét nghiệm thì âm tính. Đây là lần đầu tiên trong đời nằm trên xe cấp cứu; và cũng lần đầu tiên nằm bệnh viện”, anh bộc bạch.
Để nâng cao sức khỏe khi là F0, anh Tuấn Anh rất coi trọng việc tập thể dục. Anh kể lại: “Trước đây lúc tuyên truyền cho F0, mình sẽ nói là nên tập thể dục; tập thở; uống nhiều nước;… Đó là truyền đạt lại thôi, nhưng khi mình là bệnh nhân rồi mới thấy rất quan trọng. Ví dụ như khi SpO2 của mình rớt xuống 90 – 91 (dưới 92 là bắt đầu nguy hiểm); thì mình súc miệng, rửa mũi và chỉ số nhảy lên 95. Khi mình nằm ngửa chỉ số lại xuống; khi mình tập thở thì chỉ số lại nâng lên”.
Đồng cảm với những bệnh nhân F0
Dù đang nhập viện điều trị Covid-19, anh Tuấn Anh vẫn tiếp tục công việc với nhóm đổi bình ô xy cho người dân; vì số ca mắc Covid-19 ở TP.HCM đang tăng trở lại. Bắt đầu khởi động vào tháng 8, chương trình ATM ô xy đã có khoảng 60.000 lượt đổi bình ô xy cho các F0.
“Hiện một số bệnh viện dã chiến đã đóng cửa; các y bác sĩ ở các tỉnh thành khác cũng đã rút về rồi. Các trạm y tế lưu động tăng lên, chúng tôi hỗ trợ ô xy chính cho các trạm ô xy lưu động; đồng thời cũng hỗ trợ cho các tỉnh thành khác nữa. Hiện tại, các tỉnh miền Tây tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 cũng thấp và cơ sở y tế của họ chưa có kinh nghiệm nhiều nên không thể dừng lại được”, anh lý giải.
Những ngày điều trị, nhận được hỗ trợ rất nhiều từ đồng nghiệp và những y bác sĩ, đội ngũ cung cấp ô xy khiến anh Tuấn Anh càng không thể dừng hoạt động của nhóm. Anh giải thích vì những F0 sẽ rất bối rối; nhất là khi bệnh rất dễ lây cho những người khác trong gia đình nhưng lại không thể ra ngoài. Do đó, họ rất cần sự giúp đỡ từ xa như việc mua thuốc, xét nghiệm.
“Những F0 cần sự đồng hành rất lớn. Mình trẻ nên không sao; nhưng nếu gia đình có ba mẹ lớn tuổi, những người có bệnh nền hoặc con nhỏ chưa tiêm vắc xin thì mối lo càng gấp nhiều lần”, “cha đẻ” ATM ô xy nói.