Bổ sung chất dinh dưỡng cho người bị tiêu chảy

Bệnh tiêu chảy được định nghĩa là đi ngoài phân lỏng hoặc nước ba lần một ngày. Người mắc tiêu chảy mãn tính có thể đi ngoài ra phân lỏng, nhiều nước liên tục hoặc ngắt quãng từ 4 tuần trở lên, ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân người mắc ở mọi lứa tuổi.

Bệnh tiêu chảy chỉ kéo dài trong thời gian ngắn được gọi là tiêu chảy cấp. Tiêu chảy cấp thường gặp ở trẻ em, thường chỉ kéo dài vài ngày rồi tự khỏi. Tiêu chảy cấp là do thức ăn, nước uống bị nhiễm vi khuẩn hoặc nhiễm vi rút.

Nguyên nhân bệnh Tiêu chảy

Tiêu chảy là cách cơ thể tự loại bỏ vi trùng và hầu hết các đợt kéo dài từ vài ngày đến một tuần. Tiêu chảy có kèm theo sốt, buồn nôn, nôn, chuột rút và mất nước. Một số lý do phổ biến nhất khiến trẻ bị tiêu chảy bao gồm:

  • Nhiễm virus như rotavirus, vi khuẩn như salmonella và hiếm khi là ký sinh trùng như giardia. Virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy ở trẻ. Cùng với phân lỏng hoặc nước, các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiêu hóa do virus thường bao gồm nôn mửa, đau dạ dày, đau đầu và sốt.
  • Ngộ độc thực phẩm cũng có thể gây tiêu chảy ở trẻ. Các triệu chứng thường xuất hiện nhanh chóng gồm nôn mửa và có xu hướng hết trong vòng 24 giờ.
  • Các nguyên nhân khác của tiêu chảy bao gồm như bệnh ruột kích thích, bệnh Crohn, dị ứng thực phẩm và bệnh celiac.
  • Khối u thần kinh – khối u thường xuất phát từ trong đường tiêu hóa.
  • Bệnh Hirschsprung – là bệnh bẩm sinh có tình trạng khi trẻ được sinh ra bị thiếu các tế bào thần kinh trong cơ bắp của một phần hoặc toàn bộ đại tràng.
  • Xơ nang – Là bệnh di truyền dẫn đến sự tích tụ chất nhầy dày ngăn cản cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn.
  • Rối loạn tiêu hóa bạch cầu ái toan – một nhóm bệnh phức tạp đặc trưng bởi lượng tế bào bạch cầu cao hơn bình thường, được gọi là bạch cầu ái toan, trong các cơ quan trong hệ thống tiêu hóa.
  • Thiếu kẽm

Những món nên ăn

Bệnh nhân bị tiêu chảy cần nhiều nước hơn bình thường để bù lại lượng dịch mất qua phân và nôn. Người bệnh cần uống nhiều nước như: nước canh, nước cháo, nước trái cây (không thêm hoặc thêm rất ít đường), nước dừa tươi, nước chín…

Có thể sử dụng nước gạo rang, nước cơm, nước cháo muối, cháo đường, súp cà rốt… rất tốt để bù nước và chất điện giải.

Để bổ sung dinh dưỡng, bệnh nhân cần ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, chế biến dưới dạng lỏng, mềm, dễ tiêu như các loại cháo: cháo thịt gà, thịt lợn nạc nấu với cà rốt, khoai tây, bí đỏ… giúp người bệnh dễ tiêu hóa, dễ hấp thu và không gây kích thích niêm mạc đường tiêu hóa.

Dưới đây là một số món ăn giàu dinh dưỡng, dễ hấp thu, bù nước cho cơ thể và cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giúp người bệnh tiêu chảy nhanh hồi phục.

Món Cháo muối

Món Cháo muối
Món Cháo muối

– Nguyên liệu: Gạo tẻ 50g, muối 5g, nước 500ml.

– Cách chế biến: Vo sạch gạo cho vào nồi, thêm nước đun sôi khoảng 20-30 phút đến khi hạt gạo nở ra rồi gạn lấy nước uống.

Món Nước gạo rang

– Nguyên liệu: Gạo tẻ 50g, nước 1 lít.

– Cách chế biến: Cho gạo vào chảo rang cùng ít muối. Khi gạo chuyển sang màu vàng và có mùi thơm thì cho vào nồi, đổ nước, đun sôi kỹ rồi lọc lấy nước uống dần.

Món Cháo đường

– Nguyên liệu: Gạo tẻ 50g, đường 30g.

– Cách chế biến: Gạo vo sạch, cho vào nồi, thêm nước, đun sôi khoảng 30 phút đến khi hạt gạo nở ra, thêm đường, quấy kỹ, để nguội uống.

Món Súp cà rốt

– Nguyên liệu: Cà rốt 300g, đường 30g, muối 5g.

– Cách chế biến: Cà rốt rửa sạch, thái nhỏ, nấu chín rồi cho vào máy xay nhuyễn. Cho cà rốt đã xay vào nồi, thêm nước vừa đủ, thêm đường và muối, đun sôi lại, để nguội uống dần.

Món Cháo thịt nấu cà rốt

Món Cháo thịt nấu cà rốt
Món Cháo thịt nấu cà rốt

– Nguyên liệu: Thịt gà hoặc thịt lợn nạc 50g, gạo tẻ 100g, cà rốt ½ củ, gia vị vừa đủ.

– Cách chế biến: Gạo vo sạch cho vào nồi, đổ nước vào nấu đến khi hạt gạo nở bung. Cà rốt gọt sạch vỏ, thái nhỏ hạt lựu, cho vào nồi hầm cùng cháo. Thịt gà hoặc lợn băm nhỏ, ướp gia vị 15 phút. Cho thịt vào nồi cháo đun sôi lại khoảng 5 phút, nêm gia vị là dùng được.

Món Cháo thịt gà, bí đỏ

– Nguyên liệu: Gạo tẻ 100g, thịt gà 50g, bí đỏ 50g, gia vị vừa đủ.

– Cách chế biến: Gạo vo sạch cho vào nồi, đổ nước vào nấu đến khi hạt gạo nở bung. Thịt gà băm nhỏ, ướp gia vị 15 phút. Bí đỏ thái miếng hấp chín, tán nhuyễn hoặc thái nhỏ cho vào nồi nấu cùng cháo cho nhừ. Khi cháo chín nhừ thì cho thịt gà vào quấy đều, đun sôi thêm 5 phút, nêm gia vị là dùng được.

Món Cháo cà rốt, khoai tây

Món Cháo cà rốt, khoai tây
Món Cháo cà rốt, khoai tây

– Nguyên liệu: Gạo tẻ: 100g, khoai tây 50g, cà rốt 50g, thịt lợn nạc 50g, gia vị vừa đủ.

– Cách chế biến: Gạo vo sạch cho vào nồi, đổ nước vào nấu đến khi hạt gạo nở bung. Cà rốt và khoai tây thái nhỏ cho vào nồi hầm cùng cháo. Thịt lợn băm nhỏ, ướp gia vị 15 phút. Khi cháo chín nhừ thì cho thịt vào, đun sôi lại khoảng 5 phút là dùng được.

Xem thêm tai chuyên mục Dinh dưỡng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *