Rác thải nhựa ngày càng trở nên phổ biến hơn trong cuộc sống của chúng ta. Nhiều người nghĩ rác thải nhựa chỉ ảnh hưởng tới các vấn đề môi trường như hiệu ứng nhà kính; tuy nhiên, chúng còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta nữa đấy. Các loại nhựa khi phân hủy hoặc gặp nhiệt cao sẽ sản sinh ra các khí độc gây hại cho sức khỏe; không chỉ vậy, nhiều đồ nhựa trong nhà có thể gây áp lực và stress cho người sống trong đó. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cách giảm thiểu chúng và làm cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn nhé!
Tác hại của rác thải nhựa
Sản phẩm nhựa được sử dụng bùng nổ trong vài thập kỷ qua; nhưng chỉ có 9% được tái chế lại, theo National Geographic. Điều này có nghĩa là hàng triệu chai nước giải khát; hộp đựng thức ăn; ống hút; cốc dùng một lần;… đã bị chôn lấp dưới đất, vứt bừa bãi khắp địa cầu hay đổ về đại dương. Sản phẩm làm từ nhựa sẽ mất hàng thế kỷ để phân hủy. Đơn cử theo thông tin từ báo Môi trường & Đô thị thì: chai nhựa phân hủy sau 450 năm – 1000 năm; ống hút, nắp chai sẽ phân hủy sau 100 năm – 500 năm; bàn chải đánh răng phân hủy sau 500 năm;… Một số tác hại của rác thải nhựa như:
- Các loài động vật khi ăn phải rác thải nhựa có thể chết, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng, gây mất cân bằng sinh thái
- Rác thải nhựa không được xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến không khí và môi trường nước
- Khi đốt, rác thải nhựa sẽ sinh ra chất độc đi-ô-xin, furan gây ô nhiễm không khí; gây ngộ độc; ảnh hưởng đến tuyến nội tiết; làm giảm khả năng miễn dịch; gây ung thư;…
Những cách giúp giảm thiểu rác thải nhựa
Hạn chế dùng dụng cụ ăn nhựa
Đừng quên tất cả những thứ còn thừa trên bàn của bạn sẽ được vứt thẳng vào thùng rác. Điểm sơ qua những thứ bị lãng phí gồm dụng cụ ăn bằng nhựa, như: ống hút; khăn ăn; túi đựng; và những gói gia vị nhỏ. Vậy nên, khi ăn nhà hàng, bạn đừng lấy những dụng cụ không cần thiết. Ví dụ như: ăn khoai tây chiên thì không cần lấy thêm thìa nhựa; hay muốn lấy thêm sốt thì dùng lại đĩa nhựa đang ăn dở để đựng, chứ không lấy đĩa nhựa mới (khi ăn ở các cửa hàng đồ ăn nhanh như KFC);…
Nếu ăn ở nhà, chúng ta chẳng bao giờ cần sử dụng dụng cụ nhựa. Vì thế, khi đặt hàng thức ăn chuyển phát nhanh, bạn có thể nhắc nhà hàng không cho thêm các dụng cụ nhựa đi kèm.
Ngoài ra, bạn hãy tập thói quen mang dụng cụ ăn uống cá nhân. Chẳng hạn như: dao; muỗng; nĩa; ống hút; ly/chai;… Nếu bạn cần mua đồ ăn tối, hãy mang hộp thủy tinh ở nhà để đựng. Nếu đi ăn nhà hàng, bạn có thể mang theo khăn mùi xoa để dùng thay cho giấy ăn. Điều này vừa đảm bảo an toàn, vệ sinh; vừa giúp bạn giảm thiểu việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Hạn chế dùng đồ nhựa một lần
Như đã nói ở trên, tại các nhà hàng ăn nhanh họ thường sử dụng đồ dùng một lần cho tiện. Nếu có thể, bạn nên giảm thiểu việc dùng chúng; thay vào đó, có thể dùng đồ của mình để đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, những vật dụng ở khách sạn như: bàn chải đánh răng; dao cạo râu; lược;… bạn cũng có thể dùng đồ của mình thay vì dùng chúng.
Khi đi mua hàng, bạn nên sử dụng túi xách hoặc giỏ của mình thay cho túi bóng nhựa. Hoặc lúc mua hàng đóng gói thì hãy mua hàng với số lượng lớn, được bọc trong 1 bao bì; để tiết kiệm số lượng bao bì bọc ngoài. Tránh mua các mặt hàng được bọc riêng lẻ.
Bạn cũng nên hạn chế sử dụng giấy ăn. Trong quá trình phân hủy, giấy ăn sẽ thải ra lượng khí mê-tan đáng kể (một loại khí nhà kính). Vậy nên bạn hãy chuyển sang dùng khăn ăn; khăn lau tay; khăn lau dọn;… bất cứ khi nào có thể. Bạn cũng có thể dùng hộp thủy tinh, túi silicon thay cho hộp nhựa; vì chúng có thể tái sử dụng. Ngoài ra, còn có tiffin bằng thép không gỉ, hoặc các loại bọc thực phẩm có thể tái sử dụng được làm từ dầu jojoba; cây gai dầu; sáp ong;…
Không nhận quà tặng kèm khi không dùng
Ví dụ như khi bạn đi xem ca nhạc, ban tổ chức thường tặng kèm một món quà lưu niệm. Đừng đem về nhà nếu bạn biết chắc món đồ đó sẽ đóng bụi rồi bị vứt vào thùng rác. Khi đi qua các trung tâm mua sắm hoặc siêu thị, các nhãn hàng thường sẽ phát đồ dùng thử để quảng bá sản phẩm. Nếu bạn không có ý định sử dụng thì không nên nhận chúng.
Tái chế đồ nhựa cũ thay vì vứt đi
Bạn có thể tham khảo một số trang web hướng dẫn tái chế lại đồ cũ. Điều này sẽ giúp bạn sửa chữa hoặc tái sử dụng lại đồ cũ tốt hơn. Vừa giảm thiểu rác thải nhựa; vừa giúp bạn tiết kiệm tiền mua đồ dùng mới. Đặc biệt lưu ý không tạo thêm rác thải vào các dịp lễ. Ví dụ như: Tết Nguyên Đán là khoảng thời gian mọi gia đình sắm sửa đồ đạc; bánh kẹo; đồ dùng mới. Lúc này bạn có thể tân trang lại đồ dùng cũ của mình, làm mới nhà cửa lẫn giúp nó trông nó độc đáo hơn.