Vĩnh Long là địa điểm miệt vườn với những vườn cây trái nặng trĩu, ngọt mát từ chôm chôm cho tới sâu riêng, bưởi, vú sữa đến những cây bonsai xinh đẹp. Vùng đất này bị kẹp giữa hai nhánh của sông Tiền và sông Hậu nên được phù sa bồi đắp rất thích hợp trồng cây ăn trái. Vĩnh Long có một hệ thống sông ngòi chằng chịt, dập dìu xuồng ghe và lúc nào cũng nhộn nhịp. Đến Vĩnh Long du lịch, bạn sẽ có được những trải nghiệm thú vị từ việc thăm quan các vườn cây ăn trái đến các di tích lịch sử. Bên cạnh đó, những lễ hội truyền thống tại đây cũng là một phần thu hút khách du lịch đến với Vĩnh Long.
Thông tin chung về Vĩnh Long
Vĩnh Long là một tỉnh nằm trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 135km. Cách thành Phố Cần Thơ – trung tâm của Đồng Bằng sông Cửu Long khoảng hơn 30km. Đất Vĩnh Long bị kẹp giữa hai nhánh của sông Tiền và sông Hậu. Chính vì thế mà nơi đây bị chia cách rất nhiều bởi một hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Bên cạnh đó địa hình của Vĩnh Long cũng khá bằng phẳng. Chúng lại được phù sa của hai sông lớn bồi đắp hằng năm. Từ đó, ít nhiều cũng tạo cho người dân có được nhiều thuận lợi.
Phương tiện đi lại và mùa đi thích hợp
Vĩnh Long cách thành phố Hồ Chí Minh không xa. Chỉmất khoảng 2 giờ đồng hồ nên bạn có thể lựa chọn phương tiện xe máy hoặc xe khách. Đi xe khách thì bạn có thể đến bến xe miền tây (395 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân TP.HCM) để mua vé xe về Vĩnh Long. Có nhiều nhà xe đã khai thác tuyến TP.HCM – Vĩnh Long như Phương Trang, Mai Linh, Phú Vĩnh Long là những nhà xe uy tín mà bạn có thể chọn lựa. Ngoài ra, Phương Trang có trạm xe trung chuyển tại Lê Hồng Phong. Bạn có thể đến sớm hơn 1 tiếng để xe đưa bạn ra bến xe Miền Tây.
Mùa khô ở Vĩnh Long từ tháng 11 – 4 năm sau. Vì vậy mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10. Nhưng nhờ thế mà trái cây của Vĩnh Long cũng trở nên trĩu cành, sum suê và ngọt mát. Nếu không ngại những cơn mưa làm gián đoạn hành trình của bạn thì bạn cũng có thể phượt một chuyến để có thể thưởng thức được vị ngon của cây trái nơi đây.
Những điểm tham quan nổi bật tại Vĩnh Long
Để tham quan Vĩnh Long bạn có thể tận dụng 2 ngày nghỉ cuối tuần là có thể vi vu khám phá vùng đất này. Đầu tiên khi đến Vĩnh Long là bạn sẽ được chiêm ngưỡng cây cầu Mỹ Thuận. Đây là niềm tự hào của người dân miền tây. Cầu nối hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang. Sau khi chiêm ngưỡng cầu Mỹ Thuận bạn hãy ghé Cù Lao An Bình lên tham quan Trang Trại Vinh Sang, đến đây bạn sẽ được hóa thân vào nông dân với hoạt động tát mương bắt cá hay tham gia vào các trò chơi cưỡi đà điểu, câu cá sấu, chèo thuyền, giăng lưới… và không quên thưởng thức trái cây miệt vườn và nghe đờn ca tài tử.
Trên cù lao An Bình bạn tiếp tục ghé tham quan Chùa Tiên Châu – chùa có kiến trúc rất đẹp. Trong chùa có tất cả 96 cột gỗ tròn, các kèo, xuyên, trính đều được chạm trổ khéo léo qua bàn tay tinh xảo của các nghệ nhân địa phương. Nhất là những người thợ tài hoa từ kinh đô Huế vào. Về đến thành phố Vĩnh Long bạn hãy ghé tham quan Văn Thánh Miếu. Đây là một Di tích lịch sử – văn hóa được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích cấp quốc gia ngày 25/3/1991. Công trình gồm có Văn Miếu và Văn Xương Các, bên trong thờ Đức Khổng Tử và những học trò xuất sắc của ông.
Đặc biệt khi đến đây bạn không quên ghé qua các nhà vườn để thưởng thức trái cây. Ví dụ như vườn chôm chôm Chín Hoán, vườn nhãn tiêu Tám Hổ, vườn bưởi cù lao Mỹ Hòa,… Hay những khu vườn bonsai được nhiều du khách yêu thích nhất ở Vĩnh Long như: Sáu Giáo, Mười Đầy, Hai Hoàng,… Hầu hết những khu vườn này đều tập trung bên bờ sông của cù lao An Bình.
Khách sạn và ẩm thực tại Vĩnh Long
Đến Vĩnh Long bạn có thể lựa chọn ngủ homestay hoặc thuê khách sạn ngủ. Vài gợi ý khách sạn cho bạn như Cửu Long, Trường An, An Bình, Thái Bình.
Đi Vĩnh Long, bạn nhất định phải thử qua các món ăn làm từ cá đồng, cá sông. Chúng là đặc trưng vào mùa nước nổi nơi này. Đặc biệt là bạn phải thử cái món “ cá tai tượng chiên xù” hay “ cá lóc nướng trui”. Đều là những món ăn đã làm nên danh phận cho đất Vĩnh Long này. Bên cạnh đó, bạn cũng không thể bỏ qua những món ăn mang đậm chất miền Tây Ví dụ như: Bánh xéo miền Tây, chuột đồng Vĩnh Long, ốc lác nấu gừng, cá lăng nấu ngót,….
Vĩnh Long có lễ hội gì đặc sắc?
Hàng năm di tích có các lễ cúng Xuân Đinh, Thu Đinh. Lễ vía cụ Phan vào mùng 4,5 tháng 7 âm lịch và lễ cúng các quan đại thần và giỗ âm binh vào ngày 12,13 tháng 10 âm lịch
Lễ hội Lăng Ông Trà Ôn tại Vĩnh Long
Lăng Ông Trà Ôn là phần mộ và miếu thờ phụng để tri ân công đức của Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn. Ông là một vị quan ở triều đình Nhà Nguyễn. Lăng mộ này tọa lạc tại giồng Thanh Bạch thuộc ấp Mỹ Hòa, Thiện Mỹ. Cách thị trấn Trà Ôn khoảng 2km. Lăng mộ đã được Bộ Văn hóa -Thông tin công nhận là di tích văn hóa vào năm 1996.
Quan Tiền tướng quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn (1763 – 1820) là người dân tộc Khmer Ông quê ở làng Nguyệt Lãng, xã Bình Phú, huyện Càng Long, Trà Vinh. Ông đã có công giúp nhà Nguyễn dẹp loạn ngoại xâm, nội phản ở biên giới Tây Nam. Và giúp nhân Trà Ôn, Trà Vinh, Măng Thít khai khẩn đất hoang, thành lập xóm làng…
Lễ hội Lăng Ông Trà Ôn thường được diễn ra vào đầu tháng Giêng hàng năm. Lễ hội thu hút hàng nghìn du khách đến tham dự. Ngoài dâng lên Ông nén hương tưởng nhớ, du khách còn được thưởng ngoạn phong cảnh. Và tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian hấp dẫn.
Lễ hội Kỳ Yên
Cũng giống như các địa phương khác. Lễ hội Kỳ Yên Vĩnh Long được diễn ra nhằm cầu mong quốc thái dân an. Cầu cho nhà nhà được ấm no, hạnh phúc. Thường diễn ra trong hai ngày một đêm với các nghi lễ như thỉnh sắc thần, lễ tế Thần Nông, lễ Túc yết,… Bên cạnh đó sẽ có lễ cúng Tiền hiền, Hậu hiền. Cúng cho những người đã có công khai hoang lập làng, có nhiều công đức cho cộng đồng dân cư.
Các nghi lễ này thường sẽ giống nhau ở cách hành lễ như dâng rượu, dâng hương, dâng trà. Kế tiếp sẽ thực hiện nghi lễ đọc văn tế. Đi kèm là dàn nhạc cụ gồm chiêng, trống, mõ, chuông phục vụ nghi lễ. Tiếp nối phần lễ là phần hội diễn ra sôi nổi. Các nghệ nhân trong vùng sẽ cùng nhau thi tài ở cuộc thi trang trí trái cây. Nhằm để giới thiệu các loại trái cây độc đáo. Tổ chức hát bội, hát cải lương, diễn tuồng… Lễ kỳ yên chính là dịp để mọi người tụ họp, kể nhau nghe những câu chuyện. Hay để thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm.
Nên mua gì về làm quà?
Những loại trái cây vườn tươi ngon như: bưởi năm roi, chôm chôm, vú sữa, xoài, nhãn, sầu riêng,… là món quà không thể thiếu sau chuyến du lịch của bất cứ du khách nào. Nếu là người yêu thích cây kiểng bạn cũng có thể tậu cho mình những chậu bonsai đẹp để trang trí hoặc tặng cho bạn bè, người thân.
Mời bạn đọc thêm những bài viết khác tại Kinh nghiệm du lịch.